Các ông chủ ở thung lũng Silicon đang hợp tác để ngăn chặn việc Mỹ ra những luật định mới cho phép Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) theo dõi người dùng các trang mạng xã hội để từ đó thu thập dữ liệu thông tin liên quan đến từng cá nhân. "Cuộc chiến" giữa FBI và các hãng công nghệ chưa có hồi kết.Ảnh: brandediq. Theo tin từ tờ The Guardian, hôm 6/6, các công ty công nghệ hàng đầu ở Mỹ gồm Google, Facebook và Yahoo đã cùng kí vào một lá đơn kiến nghị gửi lên Quốc hội Mỹ. Trong đơn, các ông trùm công nghệ này đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch viết lại các quy định mới về công nghệ thông tin nhằm mang lại thêm cho FBI nhiều lợi thế và quyền lực trong việc can thiệp vào công việc kinh doanh. Lá đơn có đoạn viết nếu những đề xuất của FBI được thông qua thì tương lai ngành công nghệ của Mỹ sẽ bị chà đạp và không ai có thể hoạt động bình thường, không bị theo dõi, kể cả trên các mạng xã hội. Đồng thời, Facebook, Yahoo và Google còn lập luận rằng, những quy định này không giúp Mỹ chống khủng bố tốt hơn mà ngược lại, là những hành động vi phạm quyền tự do cá nhân và sẽ tạo nên những hệ lụy rất lớn sau này. Trước đó, hồi tháng 3, ba hãng công nghệ này cùng với khoảng 30 công ty công nghệ khác cũng đã công khai lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến mã hóa với FBI. Khi đó, Google, Microsoft, Intel, Facebook, AT&T cùng hơn 20 công ty internet, công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội như: eBay, Twitter, Mozilla, Dropbox, Snapchat, LinkedIn... đã gần như đồng loạt gửi hồ sơ pháp lí lên tòa án Mỹ nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Apple trong cuộc chiến pháp lí xung quanh yêu cầu mở khóa iPhone để phục vụ cuộc điều tra của FBI. Trong đó, bản tóm tắt dài 31 trang do Google, Microsoft, Amazon, Box, Cisco, Dropbox, Evernote, Mozilla, Facebook, Nest, Pinterest, Slack, Snapchat, WhatsApp và Yahoo gửi lên cho rằng: Quốc hội Mỹ mới có quyền ra quyết định cho phép truy cập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ chứ không phải Bộ Tư pháp. Thậm chí, CEO của Google Sundar Pichai còn nói lên quan điểm của mình trên Twitter cá nhân: "Chúng tôi tạo ra các sản phẩm bảo mật để giữ thông tin người dùng an toàn, và các cơ quan công quyền có quyền yêu cầu hợp pháp việc truy cập thông tin. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc yêu cầu các công ty cho phép hack vào các dịch vụ và dữ liệu khách hàng. Tôi đang chờ đợi một cuộc thảo luận đầy đủ và cởi mở về vấn đề quan trọng này". Còn CEO Facebook, Mark Zuckerberg thì thể hiện bằng một "cú like" quan điểm giống Apple… Hiện tại, Google, Facebook, Microsoft và Twitter đã thành lập một tổ chức Reform Government Surveillance với mục tiêu đấu tranh, thay đổi các chính sách yêu cầu dữ liệu của chính phủ. Trong một tuyên bố mới đây, tổ chức này thể hiện quan điểm yêu cầu chính phủ hãy ngừng ép buộc họ làm những việc sai trái, bất kể rằng việc chống khủng bố và tội phạm là thiết yếu. Cuộc chiến mã hóa này, như tờ Times đưa tin, bắt nguồn từ việc chính quyền Washington liên tục thuyết phục các hãng công nghệ danh tiếng cài "cổng hậu" vào sản phẩm của họ để khi các nhà thực thi luật pháp cần đến có thể truy cập thiết bị di động của người dùng. Nhưng các hãng này đã phản ứng và trả lời rằng, việc tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là cần thiết. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có gần 50% người dân Mỹ khi được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ quan điểm với các hãng công nghệ. Lo ngại nguy cơ bị hủy bỏ kế hoạch đã dày công xây dựng, Giám đốc FBI James Comey hiện đang nỗ lực lobby các nghị sĩ để sớm có một quyết định chính thức hoặc được Quốc hội thông qua. Đáp lại, Google dưới sự hỗ trợ của Yahoo và Facebook đã cho công bố một thông tin gây sốc rằng, FBI từng thường xuyên yêu cầu hãng phải cung cấp thông tin về tài khoản người dùng của hãng mà không cần lệnh của tòa án. Phương cách mà FBI dùng để "ép" Google là sử dụng "Thư an ninh quốc gia" (NSL) cho phép cơ quan chính phủ có quyền yêu cầu các công ty cung cấp thông tin chi tiết về khách hàng, cơ quan tài chính và truyền thông ở Mỹ mà không có sự giám sát của thẩm phán. Theo Google, trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2012, hãng đã nhận được khoảng 999 “Thư an ninh quốc gia” được gửi từ FBI. Một điểm đáng chú ý mà Google nêu ra là do thiếu sự giám sát của tòa án nên NSL đã bị FBI lạm dụng. Đơn vị kiểm toán của Tổng thanh tra Tư pháp liên bang Mỹ đã phát hiện, FBI sử dụng sai mục đích của NSL nhiều lần, đặc biệt từ sau sự kiện 11-9-2001. Đơn vị kiểm toán cũng phát hiện ra rằng, nhiều nhân viên của FBI đã lén xem các hồ sơ của người dùng mà không được phép cũng như mạo danh FBI để viết NSL. Theo Petro Times.