Đánh giá Aspire VX 15: thuốc thử của Acer trong phân khúc laptop chơi game tầm trung

Thảo luận trong 'Tin tức CNTT' bắt đầu bởi Luna Srambler, 3/2/17.

  1. Luna Srambler
    Tham gia ngày:
    16/8/16
    Bài viết:
    174
    Đã được thích:
    4
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    Acer Aspire VX 15 là dòng máy chơi game hoàn toàn mới được Acer hướng đến phân khúc phổ thông, giá cả phải chăng hơn và sẽ được phát triển song song với dòng Predator cao cấp. Aspire VX 15 sở hữu thiết kế mới mẻ, rất bắt mắt, cấu hình cũng rất mới với vi xử lý Core I thế hệ Kaby Lake, dùng card đồ họa GTX 1050, hệ thống ổ cứng kép với ổ SSD tốc độ cao cùng HDD dung lượng cao và mức giá bán từ 21 triệu đồng cho bản Core i5, 24 triệu đồng cho bản Core i7. Mời anh em cùng xem qua chiếc laptop chơi game bình dân này:

    Thiết kế tổng thể: đỏ nhấn đen chìm, hầm hố, cứng cáp, 2,6 kg dễ đem theo

    Aspire VX 15 là một chiếc máy có thiết kế ấn tượng, bắt mắt và nhìn qua cảm giác rằng nó thuộc phân khúc cao cấp. Điểm ấn tượng nhất chính là hệ thống tản nhiệt phía sau, không biết Acer có thỏa thuận hợp tác với Lamborghini hay không mà hốc tản nhiệt sau nhìn rất giống đuôi của chiếc Aventador.

    [​IMG]

    2 hốc gió thiết kế dẹt, viền ngoài màu đỏ với các lá điều hướng nhiệt xếp theo hình mang cá khiến VX 15 trông rất dữ tợn. Ốp che bản lề màu xám trắng bằng nhựa giả nhôm với dòng chữ Aspire VX khắc chìm đẹp mắt.

    [​IMG]

    Nhìn từ trên xuống, Aspire VX 15 gọn gàng và hình dạng của chiếc máy cũng không phải chữ nhật như thiết kế laptop truyền thống và càng ít thấy ở phân khúc giá này. Các cạnh máy đều được cắt chéo, tạo thành bố cục đa giác. Nắp máy được làm bằng nhựa cứng với các vân xước chạy dọc theo đường cắt của máy và 2 dải nhựa màu đỏ tạo điểm nhấn, tiếc là không có đèn. Logo Acer mạ chrome, phần logo này khiến chiếc máy trông hiền lành hơn, nếu như Acer đầu tư một chiếc logo khác cho VX 15 thì chiếc máy sẽ đẹp hơn rất nhiều.
    [​IMG]

    Aspire VX 15 có độ dày 29 mm, trọng lượng 2,6 kg. Những số đo này đối với một chiếc máy 15,6" khá ấn tượng, nó vẫn đủ nhẹ để có thể đem theo, đủ gọn để cất vào một chiếc balo cỡ trung.

    [​IMG]

    Số lượng các cổng kết nối trên VX 15 cũng khá đa dạng với 2 x USB 3.0, 1 x USB 2.0, 1 x USB 3.1 Gen1 (USB-C), LAN, HDMI, khe đọc thẻ SD và jack âm thanh 3,5 mm 2 trong 1. Không có Thunderbolt 3 rất đáng tiếc bởi VX 15 sẽ không thể khai thác các loại dock card đồ họa gắn ngoài (eGPU). Tuy nhiên ở tầm giá này thì mình chưa thấy nhiều mẫu máy laptop chơi game có Thunderbolt 3, thường chỉ có trên các dòng cao cấp giá từ 30 triệu đổ lên.


    Màn hình và âm thanh: FHD tấm nền TN, độ bao phủ dải màu rộng nhưng góc nhìn hẹp, âm thanh lớn

    Aspire VX 15 được trang bị màn hình 15,6", thiết kế màn hình khá dày, chắc chắn dù vỏ bằng nhựa. Khớp bản lề cũng được thiết kế rất tốt khi nó giữ chắc màn hình trong khi đủ độ mượt cho phép chúng ta mở màn hình lên bằng một tay.

    [​IMG]
    Màn hình dùng tấm nền TN độ phân giải FHD (1920 x 1080 px) do Chi Mei sản xuất và tấm nền này cũng được dùng khá phổ biến trên những dòng laptop chơi game bình dân như MSI GL62 hay PE60. Chất lượng của tấm nền này gần như tương tự với độ bao phủ dải màu sRGB tối đa, Adobe RGB gần 75% nhưng chiếc màn hình này cũng có nhiều điểm khiến mình chưa hài lòng.

    [​IMG]

    Đầu tiên là độ tương phản của màn hình chỉ ở mức trung bình, khoảng 500:1, mình kỳ vọng ở mức 700:1 trở lên thì sẽ mang lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn. Thêm vào đó là độ sáng tối đa của màn hình cũng chỉ vào khoảng 200 nit, nó đủ để chúng ta sử dụng trong nhiều điều kiện ánh sáng nhưng không lý tưởng để sử dụng ngoài trời, dưới nguồn sáng gắt.

    [​IMG]

    Về góc nhìn, màn hình của VX 15 cho góc nhìn 2 bên rộng ngang ngửa tấm nền IPS. Quan sát từ góc hẹp 2 bên thì tấm nền TN của VX 15 không bị ghosting, không bị mất màu hay âm bản như những tấm nền TN thế hệ trước. Mặc dù vậy, góc nhìn trên dưới vẫn bị hạn chế, do đó chúng ta cần phải điều chỉnh góc mở màn hình để đạt được trải nghiệm hình ảnh tốt nhất. Màn hình cũng được phủ lớp chống chói, khá hiệu quả khi sử dụng ngoài trời nhưng độ sáng tối đa không cao khiến trải nghiệm hình ảnh hơi mờ.

    [​IMG]

    Trải nghiệm âm thanh trên Aspire VX 15 khá tốt, máy chỉ được trang bị 2 loa nhưng 2 loa này đạt tại cạnh trước của máy, âm thanh phát trực tiếp vào người bạn, không bị cản, do đó âm lượng đầu ra lớn, chất âm khá tốt, rõ ràng, hơi thiếu bass nhưng vẫn đủ chất lượng để nghe nhạc, xem phim hay chơi game.

    Bàn phím và bàn rê: bàn phím dễ gõ nhưng chưa đã, bàn rê to, nhạy

    [​IMG]

    Aspire VX 15 được trang bị bàn phím full-size với layout quen thuộc của dòng Acer Aspire. Các phím chiclet có kích thước tiêu chuẩn 15 x 15 mm ở khu vực phím chính, key pitch 19 mm rộng rãi giúp bàn tay có thể duỗi thẳng thoải mái khi gõ và hành trình phím 1,5 mm. Hành trình trung bình nhưng xướng phím khá mềm nên cảm giác gõ trên Aspire VX 15 không đã bằng bàn phím của dòng Predator. Nó chỉ tương tự cảm giác gõ trên những chiếc laptop phổ thông.

    [​IMG]

    Bàn phím được trang bị đèn nền backlit màu đỏ, khá đẹp, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít lọt sáng, không gây chói khi sử dụng trong môi trường tối hoàn toàn. Điểm trừ trên bàn phím của Aspire VX 15 là cụm phím điều hướng nhỏ và nằm lẫn giữa khu vực phím chính và phím số khiến chúng ta sẽ mất công lần mò, nhìn vào bàn phím để bấm thay vì đặt tay vào là bấm được ngay.

    [​IMG]

    Bàn rê trên Aspire VX 15 khá lớn, có viền chỉ đỏ tạo điểm nhấn, bề mặt hoàn thiện dạng nhám mịn giảm ma sát, mang lại trải nghiệm vuốt chạm tốt và ít bám dấu vân tay. Bàn rê hỗ trợ đa điểm khá tốt, rộng nên cũng dễ thao tác. Tuy nhiên, 2 phím chuột tích hợp dưới bàn rê được thiết kế không đều. Phím chuột trái nông, cứng hơn trong khi phím chuột phải lại sâu và mềm hơn. Anh em nên kiểm tra 2 phím chuột khi đi mua máy, đây có thể là lỗi sản xuất trên chiếc máy mình mượn được.

    Cấu hình: hợp lý với mức giá 24 triệu đồng, hầu như không cần nâng cấp thêm

    Aspire VX 15 có 2 tùy chọn cấu hình gồm Core i5-7300HQ hoặc Core i7-7700HQ, card đồ họa mặc định là GTX 1050. Phiên bản mình mượn được có cấu hình như sau:

    CPU: Intel Core i7-7700HQ (Kaby Lake) 4 lõi 8 luồng, 2,8 - 3,8 GHz, 6 MB Cache, TPD 45 W;
    GPU: Nvidia GeForce GTX 1050 4 GB GDDR5;
    RAM: Kingston 8GB DDR4-2400 single;
    Lưu trữ: Lite-On 128 GB SSD + Toshiba 1 TB 5400 rpm;
    Kết nối: Bluetooth 4.0, Intel Dual Band Wireless-AC 7265 MU-MIMO, Gigabit-LAN;
    Pin: Li-ion 52 Wh.

    Aspire VX 15 là chiếc laptop chạy Core i7 4 nhân Kaby Lake đầu tiên mà mình đánh giá tính tới thời điểm này. Phiên bản Core i7-7700HQ được cho là sẽ mạnh hơn đôi chút so với phiên bản mà nó thay thế là Core i7-6700HQ, mình nói là đôi chút bởi nền tảng Kaby Lake thực chất là Skylake được tối ưu hóa về tiến trình. Nó vẫn dùng tiến trình 14 nm, xung nhịp cao hơn nhưng vẫn giữ mức tiêu thụ điện 45 W. So với Core i7-6700HQ, Core i7-7700HQ có xung cơ bản nhanh hơn 200 MHz, vẫn 4 nhân 8 luồng, 6 MB Cache.

    Điểm đáng chú ý nhất trên cấu hình của Aspire VX 15 là phiên bản card đồ họa GeForce GTX 1050. GTX 1050 và 1050Ti là 2 phiên bản GPU dành cho laptop thuộc phân khúc entry vừa được Nvidia giới thiệu. Phiên bản GTX 1050 sử dụng chip GP107 14 nm kiến trúc Pascal và so sánh về hiệu năng thì nó ngang ngửa với phiên bản GTX 965M thế hệ Maxwell 2.

    Phần còn lại của cấu hình là 8 GB RAM DDR4-2400, đủ dùng nhưng chỉ có 1 thanh chạy đơn kênh. Máy có 2 khe SO-DIMM, 1 khe còn trống và bạn có thể mua thêm 1 thanh 8 GB nâng cấp để chạy kênh đôi.

    Máy cũng được trang bị sẵn hệ thống ổ cứng hợp lý với 1 ổ SSD của Lite-On chuẩn M.2 2280 và 1 ổ HDD của Toshiba dung lượng 1 TB tốc độ 5400 rpm. Như vậy về mặt lưu trữ thì chúng ta không cần phải nâng cấp gì thêm.

    Nâng cấp: dễ mở, dễ nâng cấp, cáp cố định bằng nhiều băng dính rất xấu

    [​IMG]

    Việc nâng cấp cũng tương đối dễ dàng, chỉ cần tháo loạt ốc dưới đáy máy là có thể tiếp cận toàn bộ phần cứng thay được cũng như vệ sinh hệ thống tản nhiệt khi cần.

    [​IMG]

    Bộ lòng của Aspire VX 15 không được gọn gàng cho lắm và nhìn khá rẻ tiền. Acer sử dụng rất nhiều băng dính để dán cố định các sợi cáp flex. Dĩ nhiên việc sử dụng băng dính để cố định dây nhợ rất phổ biến trên những thiết bị công nghệ nhưng ít ra, Acer nên sử dụng một loại băng dính tốt hơn, dán kỹ hơn thay vì nham nhở như vậy.

    [​IMG]

    Hệ thống tản nhiệt 2 ống đồng, tản nhiệt chéo cho CPU lẫn GPU. Nhiệt được dẫn ra các heatsink tại 2 quạt khá lớn. Hệ thống tản nhiệt này có hiệu quả hay không? Anh em kéo xuống xem trong phần Nhiệt và pin sẽ rõ. CPU và GPU cũng được hàn chết trên bo mạch nên việc thay thế là không thể. Máy có 2 khe SO-DIMM, 1 khe đã có thanh 8 GB, chúng ta có thể gắn thêm.

    [​IMG]

    Ổ SSD M.2 2280 của Lite-On dung lượng 128 GB và ổ 2,5" HDD của Toshiba dung lượng 1 TB. 2 thành phần này có thể thay thế dễ dàng.

    Benchmark: Core i7-7700HQ chỉ mạnh hơn Core i7-6700HQ đôi chút, GTX 1050 bằng GTX 965M

    Aspire VX 15 cũng là chiếc máy đầu tiên mình đánh giá chạy Core i7-7700HQ thế hệ Kaby Lake và thật sự mình rất tò mò về hiệu năng của nó, đặc biệt là khi so sánh với phiên bản tiền nhiệm là Core i7-6700HQ hay các phiên bản cao hơn như Core i7-6820HK. Kết quả benchmark bằng Cinebench R15 cho thấy Core i7-7700HQ đạt 152 điểm xử lý đơn nhân và 728 điểm xử lý đa nhân, mức chênh lệch giữa phiên bản này và Core i7-6700HQ chỉ vào khoảng 7%.

    Về hiệu năng xử lý tổng thể của Aspire VX 15, không ngạc nhiên khi VX 15 đạt kết quả không cao bởi so với các mẫu máy mình so sánh, VX 15 thua thiệt về RAM khi chỉ có 8 GB chạy đơn kênh và ổ SSD chỉ dùng chuẩn SATA tốc độ không thể so bì với những chiếc ổ NVMe hoặc hệ thống ổ RAID 0 .

    Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy Aspire VX 15 vẫn rất nhanh, xử lý đa nhiệm tốt và chạy tốt tất cả các tác vụ nặng mình dùng thường ngày như Photoshop, Lightroom, Premiere. Tốc độ của ổ SSD Lite-On trên VX 15 khá tốt, đọc tuần tự đạt 556,5 MB/s, ghi tuần tự 519,2 MB/s. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K lần lượt là 24,69 MB/s đọc và 54,4 MB/s ghi.

    GTX 1050 mạnh cỡ nào? Theo nhiều phân tích thì GTX 1050 bản trên laptop mạnh hơn GTX 960M, ngang ngửa GTX 965M và thua GTX 970M. So với GTX 1060 thì GTX 1050 yếu hơn khoảng 40%. Một điều cần lưu ý là GTX 1050 hiện tại là phiên bản GeForce GTX rẻ nhất trong thế hệ GTX 10 series, phiên bản mạnh hơn là GTX 1050Ti nhưng chưa rõ Aspire VX 15 có tùy chọn GPU này hay không.
    Điểm số benchmark bằng các phần mềm 3DMark 11 và 3DMark 13 cho thấy những kết quả rất chính xác. Aspire VX 15 với GTX 1050 đạt 7368 điểm ở bài test 3DMark 11, như vậy chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với Gigabyte P55K v5 chạy GTX 965M với 7269 điểm và cao hơn khoảng 16% so với MSI GL72 6QF chạy GTX 960M. Những kết quả còn lại lần lượt ở các nội dung 3DMark Cloud Gate, Fire Strike và Sky Diver cũng cho thấy sự chênh lệch đồng điều, GTX 1050 luôn giữ vị thế ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn so với GTX 965M, mạnh hơn GTX 960M và thua các phiên bản GTX còn lại.
    Trải nghiệm game: đủ sức chơi nhiều tựa game AAA ở tỉ lệ 60 fps với thiết lập Med - High

    [​IMG]

    Call of Duty: Infinite Warfare: 1920 x 1080 - đồ họa Ultra: 47 fps
    Doom: 1920 x 1080 - đồ họa Ultra: trung bình 51 fps
    The Witcher 3 Wild Hunt: 1920 x 1080 - đồ họa Ultra: trung bình 24 fps
    GTA V: 1920 x 1080 - đồ họa Ultra: trung bình 27 fps

    Như vậy với 4 game đồ họa khá nặng, sức mạnh của GTX 1050 đã rất rõ ràng. Nó cho phép bạn chơi nhiều tựa game AAA nhưng để đạt được tỉ lệ khung hình trên 60 fps thì bạn buộc phải chỉnh thiết lập đồ họa ở mức trung bình - cao, tùy tựa game. Trong thử nghiệm của mình, tất cả các thiết lập đồ họa đều ở mức cao nhất để anh em dễ hình dung về khả năng của GTX 1050, tỉ lệ khung hình đều dưới 60 fps.

    Nhiệt độ và pin: tản nhiệt hiệu quả, pin 4 giờ

    Với 2 quạt tản nhiệt và 2 ống đồng, mình nghĩ rằng Aspire VX 15 sẽ nóng nhưng những con số thực tế rất đáng ngạc nhiên. Thử nghiệm chơi game CoD Infinite Warfare trong hơn 1 giờ, nhiệt độ CPU khá ổ định ở mức 76 - 78 độ C, nhiệt độ GPU tối đa 69 độ C.

    [​IMG]

    Thử nghiệm stress test CPU và GPU bằng Furmark, nhiệt độ CPU không vượt mức 80 độ C và GPU tối đa 70 độ C. Mức nhiệt độ này chấp nhận được đối với một chiếc máy chơi game tầm trung, sở hữu hệ thống tản nhiệt bình thường.

    [​IMG]

    Nhiệt độ GPU khi stress test bằng Furmark thiết lập FHD, MSAA 8x ổn định ở 70 độ C. Điều đáng chú ý nữa là VX 15 vận hành rất im lặng, khi stress test, quạt được kích tự động lên tốc độ cao nhất nhưng tiếng quạt phát ra rất nhỏ.

    Nhiệt độ bề mặt của Aspire VX 15 cũng rất mát mẻ. Điểm nóng nhất đo được bằng súng bắn nhiệt là khu vực chính giữa máy với mức nhiệt độ 41 độ C, cụm phím WASD 36 độ C, cụm phím số 35 độ C. Khu vực chiếu nghỉ tay trái phải cũng rất mát với phần nghỉ tay bên trái 30 độ C, bên phải là 31 độ C.

    [​IMG]

    Aspire VX 15 được trang bị pin 52 Wh và cục pin này cho thời lượng sử dụng rất tốt. Đo bằng phần mềm PCMark 8 cho chạy chế độ Home tương đương với các tác vụ văn phòng, giải trí cơ bản, độ sáng màn hình 75% thì thời lượng pin đạt được là 3 giờ 41 phút. Trong khi đó, mình sử dụng thực tế để gõ văn bản, lướt web, làm việc với Photoshop và Lightroom thì thời lượng pin kéo dài được hơn 4 giờ mộ tí. Nếu dùng máy để xem phim online, độ sáng màn hình 75%, âm lượng 50% thì bị có thể xem được trong suốt 3 giờ 20 phút.

    Kết luận:

    Aspire VX 15 là một sản phẩm mang nhiều cái mới của Acer, nó mang một thiết kế mới không giống dòng gaming cao cấp Predator và cũng chưa từng có trên những chiếc máy phổ thông của hãng. Tiếp theo, VX 15 là sản phẩm laptop chơi game đầu tiên được hãng đánh vào phân khúc trung cấp với mức giá dễ tiếp cận. Trước đó hãng chỉ có Aspire V Nitro là dòng máy hướng đến game thủ mà không thuộc dòng Predator. VX 15 có thiết kế chắc chắn, hoàn thiện tốt. Cấu hình cũng khá hợp lý với mức giá 21 triệu cho Core i5-7300HQ và 24 triệu cho Core i7-7700HQ, mặc định GTX 1050 4 GB GDDR5 và hệ thống ổ lưu trữ đáp ứng được cả tốc độ lẫn dung lượng.

    [​IMG]

    Trong thời gian tới, ở phân khúc giá này thì Acer Aspire VX 15 sẽ có rất nhiều đối thủ, điển hình là MSI GL62 và ASUS RoG GL553. Như vậy ngoài 2 cái tên quen thuộc trong làng laptop gaming thì nay anh em sẽ có thêm một sự lựa chọn đến từ Acer và hy vọng hãng sẽ tiếp tục cải tiến dòng máy này.

    Điểm mình thích:

    Thiết kế bắt mắt, hầm hố, có chất game;
    Vỏ nhựa nhưng hoàn thiện tốt, cứng cáp;
    Đầy đủ các cổng kết nối, có USB-C;
    Hiệu năng khá trong tầm giá;
    Thời lượng sử dụng pin tốt đối với laptop chơi game;
    Vận hành mát mẻ, quạt rất êm.

    Điểm mình chưa thích:

    Màn hình TN, góc nhìn hạn chế, IPS sẽ tốt hơn (nhưng giá sẽ cao hơn);
    Bàn phím dễ gõ nhưng chưa đã (hành trình phím nên sâu hơn);
    Bộ lòng dán nhiều băng keo nhìn rẻ tiền;
    Không có bản quyền Windows (từ nay sẽ là một tiêu chí của mình khi đánh giá laptop).
     
    Cảm ơn đã xem bài:

    Đánh giá Aspire VX 15: thuốc thử của Acer trong phân khúc laptop chơi game tầm trung